Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Các Lợi ích của Thiền Định


Lợi ích của thiền  định

Biết được lợi ích thì bạn sẽ làm gì?

Những lợi ích của thiền định

Hiện nay, nhiều người khắp nơi trên thế giới, bất luận tôn giáo nào, đã ý thức về những lợi ích có được qua thiền định. Mục đích chính yếu của thiền định là đào luyện tâm và dùng nó càng lúc càng hiệu quả trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Cứu cánh của thiền định là nhằm vào sự giải thoát khỏi bánh xe luân hồi – vòng sinh tử. Mặc dù đó là một công việc khó nhất, nhưng những lợi ích tích cực có thể đạt được ngay hiện tại, nếu ta trọng vọng với thiền định. Thật thích đáng để nhắc lại những gì đã được đề cập trước: Ta không nên bị nô lệ bởi những triển vọng của các điều lợi ích này và mất đi tầm nhìn về mục đích xác thực của thiền định Phật giáo. Những lợi ích của thiền định có thể được tóm lược như sau:

1- Nếu bạn là người bận rộn, thiền định có thể giúp bạn buông bỏ căng thẳng và tìm đến sự thư thả.
2- Nếu bạn là một người lo âu, thiền định có thể làm bạn bình tĩnh và tìm đến tâm an bình.
3- Nếu bạn là một người có vô tận những vấn đề, thiền định có thể giúp bạn phát triển lòng can đảm và nghị lực để đối mặt và khắc phục chúng.
4- Nếu bạn thiếu tự tin, thiền định có thể giúp bạn thu được tự tin vốn là bí quyết thành công trong đời sống.
5- Nếu bạn có tâm lo sợ, thiền định có thể giúp bạn thấu hiểu thực chất của những vấn đề khiến bạn hoảng loạn – lúc đó bạn có thể khắc phục tâm lo sợ.
6- Nếu bạn luôn luôn bất mãn với mọi sự và không có gì trong đời sống làm bạn thỏa mãn - thiền định có thể cho bạn cơ hội để phát triển và duy trì sự hài lòng với chính mình.
7- Nếu bạn hoài nghi và không quan tâm đến cách sống đạo lý, thiền định có thể giúp bạn vượt qua thái độ hoài nghi và thấy vài giá trị thực tiễn trong hướng dẫn đạo pháp.
8- Nếu bạn thất bại và khổ sở do thiếu hiểu biết về tình trạng bấp bênh của đời sống và thế giới, thiền định có thể thực sự hướng dẫn và giúp bạn hiểu biết tính phù du của các pháp thế gian.

 
9- Nếu bạn là người giàu, thiền định có thể giúp bạn nhận chân bản chất sang trọng cao cả của bạn và cách sử dụng nó không những vì chính hạnh phúc của bạn mà còn vì hạnh phúc tha nhân.
10- Nếu bạn là người nghèo, thiền định có thể giúp bạn phát triển sự tri túc và không dung dưỡng lòng ganh tỵ với những người có nhiều hơn bạn.
11- Nếu bạn là một thanh niên ở bước ngoặc của cuộc đời, và bạn không biết rẽ về đâu, thiền định có thể giúp bạn tìm thấy chánh đạo để đi đến mục đích đã chọn được.
12- Nếu bạn là một người đứng tuổi, chán ngán cuộc sống, thiền định có thể mang lại cho bạn sự hiểu biết cuộc sống sâu sắc hơn; sự hiểu biết này lần lượt sẽ làm vơi đi những nỗi đau của bạn và gia tăng niềm vui sống.
13- Nếu bạn nóng tánh, bạn có thể phát triển sức mạnh để khắc phục nhược điểm của tánh nóng nảy, thù hận để trở thành người điềm tĩnh hơn.
14- Nếu bạn ganh tỵ, bạn có thể hiểu rằng những thái độ tinh thần tiêu cực không bao giờ đóng góp bất cứ điều gì cho lợi ích của bạn.
15- Nếu bạn không thể giảm tham ái đối với các dục lạc, bạn có thể học cách trở thành người làm chủ những dục lạc của bạn.
16- Nếu bạn nghiện rượu hoặc ma túy, bạn có thể khắc phục thói quen nguy hiểm đã từng làm cho bạn nô lệ.
17- Nếu bạn là người hẹp hòi, bạn có thể phát triển cái trí sáng suốt, nó sẽ mang lại lợi ích cho bạn, bằng hữu và gia đình của bạn và tránh cái hiểu lầm lạc.
18- Nếu những cảm xúc tác động mạnh mẽ nơi bạn, chúng sẽ không có cơ hội để làm cho bạn lầm đường lạc nẻo.
19- Nếu bạn khổ sở từ những hỗn loạn như những chứng suy nhược thần kinh và xáo trộn tinh thần, thiền định có thể làm khơi dậy những năng lực tích cực trong thân tâm bạn để phục hồi sức khỏe, đặc biệt nếu chúng thuộc những vấn đề thần kinh.
20- Nếu bạn là người nhu nhược hoặc là người duy trì tính phức cảm tự ty, thiền định có thể củng cố nội tâm bạn để phát triển lòng can đảm và khắc phục sự nhu nhược.
21- Nếu bạn là người sáng suốt, thiền định sẽ hướng dẫn bạn đến trí tuệ cao siêu. Lúc đó bạn sẽ thấy chân tướng của các pháp, và không còn thấy theo vẻ ngoài nữa.
Đây là một vài lợi ích thực tiễn xuất phát từ việc thực hành thiền định. Những lợi ích này không phải để bán trong bất cứ tiệm buôn hoặc cửa hàng bách hóa nào. Nhưng bạn có thể phát triển chúng qua thiền định của bạn. Tâm là chìa khóa mở cửa hạnh phúc và cũng là chìa khía mở cửa khổ đau. Hiểu và khéo dùng tâm là công việc hơn hẳn đời sống thanh bình và tự mãn*.
(trích dịch Meditation The Only Way)
Lời người dịch: Sự thanh thản của đời sống vật chất và ngay cả những mức độ thiền chỉ là những lợi ích cần thiết, nhưng thiền định còn tiến xa hơn, tức là giải thoát tất cả chấp thủ.
(Nguồn Tập San Pháp Luân 30)

Lợi ích cao nhất là thoát khỏi sinh tử - luân hồi

Hành thiền đúng phép có thể đem lại cho người hành thiền những lợi ích như sau:
1.      Các căn được an an tịnh, và một cách tự nhiên, hành giả thấy thích thú với thói quen hành thiền hàng ngày.
2.      Lòng từ xâm chiếm tâm hành giả. Với lòng từ, hành giả xa lìa mọi tội lỗi và xem tất cả chúng sanh như là anh chị em.
3.      Những dục vọng làm mệt mỏi và đầu độc thân tâm như là giận dữ, keo kiệt, kiêu ngạo… dần dần xa lìa tâm của hành giả.
4.      Nhờ hộ trì chặt chẽ các căn, cho nên những niệm ác, xấu không len vào tâm hành giả được.
5.      Với tâm trong sáng và tư thái bình thản, hành giả không còn thèm muốn gì đối với những dục vọng thấp hèn.
6.      Tâm thức của hành giả tập trung vào những ý niệm cao cả, mọi tư tưởng vị kỷ, ham muốn quay cuồng theo dục vọng đều xa lìa.
7.      Hành giả không lạc vào chủ nghĩa hư vô, mặc dù thấy rõ mọi sự vật đều không rỗng bèo bọt.
8.      Tuy vẫn còn trong vòng sanh tử luân hồi, nhưng hành giả đã nhận thức rõ con đường giải thoát.
9.      Nhờ đi sâu vào giáo pháp mầu nhiệm, hành giả nương tựa vào trí tuệ của đức Phật.
10. Vì không còn gì hấp dẫn và làm cho hành giả ham muốn, hành giả cảm thấy như con Phượng Hoàng đã thoát khỏi lưới và đang bay lượn tự do trên bầu trời.
 Trong kinh Thân Hành Niệm, phép tu thiền niệm thân, Phật nói tới mười công đức của phép tu thiền niệm thân như sau:
1.      Đối trị tham và sân.
2.      Loại bỏ sợ hãi.
3.      Có thể chịu đựng nóng lạnh, đói khát, côn trùng quấy nhiễu.
4.      Dễ dàng chứng bốn cấp thiền.
5.      Có thể biến hoá thần thông theo ý muốn.
6.      Có thêm nhĩ thông, tức là có khả năng nghe những âm thanh mà tai người bình thường không nghe được.
7.      Biết được ý nghĩ của người khác.
8.      Biết dược các kiếp sống quá khứ của người khác.
9.      Có thiên nhãn thông, tức là con mắt có thể nhìn thấy các chúng sanh trôi nổi theo nghiệp từ đời này qua đời khác.
10. Ngay trong đời hiện tại đạt được tâm giải thoát và tuệ giải thoát.
 Trong cuốn "Hành Thiền", Hoà Thượng Thích Minh Châu cũng đề cập tới bốn lợi ích của thiền như sau:
1.      Thiền có khả năng đoạn trừ các dục,
2.      Thiền có khả năng đoạn trừ lòng sợ hãi.
3.      Thiền đem lại niềm vui, gọi là thiền lạc.
4.      Thiền đưa đến thành tựu trí tuệ, giác ngộ, giải thoát, niết-bàn.
Nói tóm lại, lợi ích của thiền rất là nhiều, lớn, cụ thể. Nhưng phải hành thiền thì mới thể nghiệm được, chứ không thể nào thể nghiệm được lợi ích của thiền qua sách vở, dù là sách vở viết rất hay. Vì vậy, tôi khuyên: hỡi các bạn hãy tập thiền hàng ngày, phải thường xuyên ngay trong cuộc sông bình nhật của mình.

Lợi ích chữa bệnh

Phước Tuệ Tâm:
Có thể đọc thêm mục số 3: “ PHƯƠNG PHÁP MINH SÁT ÁP DỤNG ÐỂ CHỮA BỆNH” trong Phần Bổ Sung B để tham khảo thêm. Tôi không thêm vào đây vì muốn bạn đọc và thực hành ngay phương pháp minh sát.  
Hầu hết những ai có hành thiền thường xuyên đều rất ít bệnh. Tuy nhiên, có bệnh thì nên uống thuốc, chỉ dùng thiền như phương pháp trị liệu bổ sung.  Bạn lưu ý, khi hành thiền mà ra mồ hôi, thấy ngứa…thì đó là lúc “trọc bệnh”, ổ bệnh, ô trược của thân tâm đang bị “đem lên máy chém”. Để hoàn toàn an toàn trong hành thiền minh sát, bạn tuyệt đối không được phối hợp, chung đụng với các phương pháp khác như thiền kiểu dẫn khí (khí công), thiền tưởng, khai mở luân xa (nhân điện), khai mở hỏa xà yoga, dẫn khí  Tiểu Chu Thiên (khí công). Các loại này rất nguy hiểm vì phải luôn có thầy kế bên.
Thiền của Đức Phật dạy trong Tứ Niệm Xứ Minh sát là thanh cao nhất, giản dị nhất, giá trị nhất, an toàn nhất, hạnh phúc nhất…
(Trích từ cuốn Thực Hành Thiền Định Nguyên Thủy)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét